Tháng Tám, tháng Chín âm lịch, khi cái nắng gay gắt của mùa hè qua đi, nhường chỗ cho những vạt nắng vàng nhạt, tiết trời bắt đầu mát mẻ, hanh khô. Trên những đám ruộng, lúa bắt đầu trổ bông, lác đác có đám ngả vàng. Người người, nhà nhà ở miền Đông tỉnh Cao Bằng chuẩn bị làm Lễ “Kin khẩu mấư”.
Mâm lễ đơn sơ dâng cúng tổ tiên trong Lễ “Kin khẩu mấư” của người Tày miền Đông, Cao Bằng.
Từ xa xưa, người Tày ở một số vùng thuộc các huyện miền Đông trong tỉnh có tục “Kin khẩu mấư”, tạm gọi là “Ăn cơm mới”, cũng có nghĩa là “Mừng cơm mới”. Lễ “Kin khẩu mấư” diễn ra khi sắp kết thúc hai vụ gieo trồng chính trong năm. Trước đó, thầy Tào có uy tín trong vùng phải biết chữ Nho, chọn một ngày lành, sau đó báo cho mọi người biết để tổ chức lễ. Tất cả các gia đình trong vùng đều tổ chức lễ vào ngày này.
Lễ “Kin khẩu mấư” chỉ diễn ra trong phạm vi mỗi gia đình nhưng không thể thiếu đối với người nông dân. Vào ngày này, người ta chọn vài bông lúa đẹp nhất trong đám ruộng, cắt cả bông đem về nhà. Người ta đun sôi một ít nước, sau đó thả bông lúa vào rồi mang bát nước cùng bông lúa lên bàn thờ thắp hương dâng cúng và báo cáo với tổ tiên, đại ý: Hôm nay, con cháu đón tổ tiên về ăn cơm mới. Cầu mong tổ tiên linh thiêng phù hộ con cháu được mùa màng bội thu để năm sau lại có của cải dâng tổ tiên về ăn hương, ăn hoa… Cúng xong, người ta lấy nước vừa ngâm bông lúa đem nấu cơm, mổ gà, vịt và không thể thiếu một bát có đầy đủ các rau quả do gia đình tự trồng được, như: Mướp, bầu bí, khoai sọ… Chuẩn bị các món ăn xong, cả nhà quây quần ăn bữa cơm “khẩu mấư”, đặc biệt là phải ăn vào bữa tối, nhưng sớm hơn những ngày khác.
Lễ “kin khẩu mấư” tuy không diễn ra các nghi thức cầu kỳ nhưng được người nông dân hết sức coi trọng với ý nghĩa biểu thị tấm lòng hiếu nghĩa đối với tổ tiên, để báo cáo tổ tiên rằng con cháu sắp thu hoạch mùa màng và dâng lên tổ tiên thành quả lao động của cả năm, cầu tổ tiên phù hộ con cháu chăn nuôi, trồng trọt luôn được thuận lợi. Theo các cụ cao tuổi, miền Đông là vùng đất tuy nhiều núi đá nhưng có hai con sông lớn chảy qua là sông Bắc Vọng và sông Quây Sơn nên việc canh tác ít khi gặp khó khăn hơn các nơi khác; ngoài ra vùng này được thiên nhiên ưu ái về đất đai, khí hậu để sản xuất ra nhiều nông sản, như: Đỗ tương, lạc, mía, mạch hoa…, thể hiện sự trù phú, cuộc sống ấm no đủ đầy, lạc quan. Bởi vậy, con người ở đây có đời sống tinh thần rất phong phú.
Cũng như các ngày lễ khác, lễ “kin khẩu mấư” không chỉ được người già, những người lớn tuổi trong gia đình quan tâm mà còn là ngày được trẻ em mong đợi. Ngày xưa, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là vào mùa giáp hạt thường phải ăn cơm ngô, cơm độn nên mọi người mong chờ đến ngày “kin khẩu mấư” để được ăn bát cơm trắng. Còn bây giờ, cuộc sống của đại đa số người dân nông thôn đã sung túc, khấm khá hơn nhưng người Tày miền Đông vẫn gìn giữ phong tục mang đậm bản sắc dân tộc đó. Nhiều gia đình người Tày đã thoát ly đi công tác, sinh sống ở thành thị và các tỉnh khác, mỗi năm đến dịp này tuy không tổ chức lễ nhưng vẫn nhắc nhau nhớ đến phong tục của quê mình.
Kiều Ngân
Theo: baocaobang.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét