ĐÁNH ĐÔI: các THẾ TRẬN & CHIẾN THUẬT trung & cao cấp
Trong đánh đôi, chúng ta không chỉ dựa vào lối đánh và vũ khí sở trường của mỗi cá nhân trong đội mà còn phải biết chọn lựa cú đánh, biết cảm nhận vị trí trên sân khi di chuyển, đoán hướng và điểm rơi của đối phương...Chúng ta sẽ phải biết chuẩn bị và linh hoạt thay đổi thế trận sao cho phù hợp để chiến thắng từng đối thủ với từng lối đánh khác nhau.
Hiện nay, tại các CLB, chúng ta đánh đôi là chính nhưng sự phối hợp giữa các thành viên trong đội là khá mờ nhạt. Thành tích chiến thắng thường mang đậm dấu ấn của cá nhân hay một hai cú quả nhất định nào đó trong một ngày phong độ tốt. Chưa nói tới khả năng sắp xếp thế trận thì việc phát huy vũ khí sở trường và giấu đi các điểm yếu của đội cũng còn là hạn chế cố hữu.
Cách sắp xếp phổ biến chỉ đơn giản là:
- “Bạn đứng trái hay phải?”
- “Đánh 2 lưới hay 1 phông và 1 lưới”
- “Đứng lưới cao lên”
- “Giữ chặt dây đấy nhé”
- “Qua đầu để tôi”
- ….
Những sắp đặt hay thỏa thuận này chỉ mang tính đối phó hay có giá trị trong những tình huống đơn giản và không có biến hóa. Bạn sẽ thấy điều này ngay khi rời “ao làng” đi giao lưu với các đôi ngang và hơn trình đôi mình.
Vậy thực chất THẾ TRẬN là gì???
Xem truyện và phim về lịch sử mấy nghìn năm Trung Quốc, bạn sẽ thấy những quân sư quân sự nổi tiếng các thời như Tôn Vũ, Gia Cát Lượng, Lâm Bưu bày các trận thế lưu danh sử sách như Trường xà, Thất tinh, Bát quát, Trùy hình, Yển nguyệt… làm xoay chuyển cục diện một cách tài tình. Khi lập thế trận, người lập trận hoàn toàn nắm thế chủ động và đối thủ bị lâm vào thế bị động và chống cự. Mỗi trận này sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau. Vấn đề là nó được ai dùng, dùng với ai và dùng khi nào?
Tương tự đánh trận, sau khoảng 140 năm lịch sử quần vợt kể từ khi được khai sinh đến nay, các tay vợt trên khắp thế giới đã chơi, đúc kết và phát minh ra những thế trận và chiến thuật cơ bản đến biến hóa tinh vi.
Sau đây là 4 THẾ TRẬN và 3 CHIẾN THUẬT trung và cao cấp:
1. Chiến thuật Giao bóng và lên lưới
2. Chiến thuật vồ lưới
3. Chiến thuật khi bị lốp
4. Thế trận kiểu 1 phông 1 lưới
5. Thế trận 2 phông
6. Thế trận kiểu chữ I
7. Thế trận kiểu Úc
Một đôi muốn chiến thắng hay nâng trình thì cần thi triển rất nhiều chiến thuật khác nhau và đồng thời phải lập các thế trận phù hợp với những chiến thuật đó. Khi đã bước vào sân đánh thì mọi cú đánh và hướng di chuyển sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt chiến thuật và thế trận đã định.
Sau đây tôi xin trình bày chi tiết các THẾ TRẬN và CHIẾN THUẬT trung & cao cấp
A. CHIẾN THUẬT GIAO BÓNG và LÊN LƯỚI
Đây là chiến thuật cơ bản và được sử dụng nhiều nhất ở mọi trình độ. Chiến thuật này tại Việt Nam và một số nước nhiều “bụi” cần “phủi” khác được nâng lên tầm cao mới là LÊN LƯỚI …và GIAO BÓNG. Với chiến thuật này, người VN tuy da vẫn vàng và mũi vẫn tẹt những đã cải thiện ấn tượng chiều cao của mình (theo máy của IBM giấu tại các sân chuyên đánh phủi thì tại điểm 2m cách vạch cuối sân, độ cao của đường giao bóng của tay vợt phủi VN cao hơn của Ivo Karlovíc một CHÚT
Xin quay trở lại môi trường chuẩn, ít bụi. Những công nghệ mới trong sản xuất vợt và bóng, cùng kỹ thuật hiện đại của các quả Fh và Bh dưới phông đã hạ bệ ngôi vương của Peter Sampras – huyền thoại Serve/Volley. Sự thịnh hành và phát triển của cú trái 2 tay làm cho các tay vợt S/V không còn tự tin lên lưới khi giao bóng vào tay nghịch đối thủ nữa, thay vào đó họ ở lại phông đôi công và chờ cơ hội. Nhưng đó là câu chuyện đánh đơn còn trong đánh đôi thì S/V vẫn được sử dụng rất nhiều.
Với lợi thế sau cú giao bóng 1 mạnh, hiểm hóc và thậm trí cả giao bóng 2 thì người giao bóng hoặc đồng đội của họ luôn có khả năng cài bóng thấp và khó làm cho đối phương không trả được hoặc trả lỗi. Chiến thuật này đòi hỏi người chơi có khả năng volley tốt bởi nếu không thì nó sẽ là con dao 2 lưỡi.
Nếu đối phương đứng lưới NHÌN THẤY ta chuẩn bị volley mạnh thì sẽ lùi xuống để phòng thủ đỡ bóng, và nếu thấy đồng đội trả bóng tốt (vào chân, ra mang hay nặng vào giữa) thì sẽ tiến lên để sẵn sàng bắt trả volley (xem bài Đánh đôi: đứng lưới ntn và hình minh họa dưới đây). Như vậy để áp dụng chiến thuật này đòi hỏi người chơiphải có kỹ thuật và tập luyện nhuần nhuyễn sao cho có tỷ lệ ăn điểm cao trên 70%.
Không giống như các chiến thuật lên lưới khác, người giao bóng trong chiến thuật này không nhất thiết phải giao bóng quá mạnh hoặc quá khó. Khi cả đội đánh lưới tốt thì mục đích chỉ là giao bóng sao cho có đủ thời gian lên lưới và không quá dễ để đối phương trả bóng phản công chủ động.
B. CHIẾN THUẬT VỒ LƯỚI
Khi áp dụng chiến thuật này, đối tác đứng lưới sẽ phải ra ký hiệu thông báo hoặc có thỏa thuận trước cho đồng đội giao bóng để di chuyển và vồ bóng trên lưới dù đối phương trả bóng mạnh hay nhẹ. Đường di chuyển sẽ là tiến chéo về phía bên ô người giao bóng nhằm cắt ngang đường trả bóng của đối phương.
- Người đứng lưới có thể có nhiều lựa chọn bắt lưới tùy thuộc độ chéo và tốc độ trả bóng của đối phương
- Đánh mạnh thẳng vào lưới đối phương nếu bóng chéo nhiều
- Đánh sâu xuyên khe đối thủ hoặc bỏ nhỏ theo hướng ngược lại nếu bóng giữa sân
- Đánh thẳng vào chân đối phương trả giao bóng nếu bóng còn bên ô mình đang đứng
Chiến thuật này được thực hiện theo kiểu mặc định đối phương sẽ trả cú chéo sân thông thường. Chính vì vậy, không giống như chiến thuật Giao bóng lên lưới, người giao bóng sẽ phải chạy sang ngang ô bên kia nếu đối phương trả dọc dây, lốp qua đầu hoặc lên lưới tới vị trí đồng đội vừa rời khỏi.
Điểm cơ bản của chiến thuật này là gửi và nhận tín hiệu. Thường thì người đứng lưới chủ động gửi nhưng đôi khi cũng theo chiều ngược lại. Thời điểm sử dụng chiến thuật này nằm ngay trong tên gọi của nó, “VỒ”, tức là bạn chỉ có thể dùng xen kẽ và mang tính bất ngờ. Tất nhiên cũng có ngoại lệ khi đối phương trả bóng quá đơn giản và ổn định thì bạn có thể dùng làm chiến thuật chiến thắng được (VD: đối phương đứng trái chỉ biết cắt CHÉO trả giao bóng và đường bóng thường ko quá chéo và tương đối chậm).
C. CHIẾN THUẬT KHI BỊ LỐP
Một trong những nguy cơ khi đánh 2 lưới là bị đối phương lốp bóng qua đầu. Theo đúng nguyên tắc đánh đôi thì tay vợt bên nào sẽ lo sân bên đó nhưng thực tế không theo được như vậy bởi khả năng smash hạn chế của các thành viên trong đội. Khi nhận thấy đối phương lốp qua đầu mình bạn phải lập tức xoay lùi để smash nhằm duy trì thế tấn công trên lưới của cả đội.
Các cặp đôi kiểu “bia kèm lạc” thường bị vấn đề khi tay vợt yếu hơn đứng lưới nhận được quả lốp khá hợp lý để smash nhưng lại không hành động và thay vào đó là đứng yên hay ngồi thụp xuống hô “mày đấy” với đồng đội.
Với tay vợt khá hơn hoặc đã có thỏa thuận chiến lược từ trước, họ sẽ chạy ngang sang phần sân bên kia và để đồng đội xử lý bằng cú volley bóng cao. Trong trường hợp bị lốp sâu và đồng đội vẫn còn dưới phông thì họ sẽ chạy chéo về phông, trong khi đồng đội di chuyển sang ngang để đỡ lốp. Lúc này thế trận đã bị hoán chuyển từ 2 lưới thành 2 phông.
Nhưng trận đấu không dễ dàng như vậy, nhận thấy bạn có vấn đề về xử lý bóng cao thì tần suất đánh lốp của đối phương sẽ tăng và được thực hiện liên tục. Khi không dứt điểm được, mất phương hướng và định vị sân vì phải“ngắm mây” để smash và “gõ” quá nhiều thì chính là lúc bạn nên chọn phương pháp khác - đánh 2 phông. Gặp bóng lốp sâu thì đồng thời cả 2 tay vợt cùng lùi về phông hỗ trợ nhau phòng thủ trong khi chờ đợi cơ hội phản công.
Với những “ông chủ thực sự trên lưới”, lốp chỉ là một trong những món yêu thích của họ cùng volley. Họ như những con hổ đói khi bị đẩy lùi vì bị lốp lại cùng lao lên bắt lưới. Khả năng duy trì thế trận và sức ép làm cho đối phương luôn mất thăng bằng, thiếu thời gian và đánh lỗi.
Smash thực chất là bản sao rút gọn của Serve, vấn đề là chúng ta cần luyện tập nhiều hơn để không sợ lốp và hơn hết, hãy nhớ xoay người trước khi lùi.
D. THẾ TRẬN 1 PHÔNG 1 LƯỚI
Đây là thế trận phổ biến nhất và có thể bạn sẽ chặc lưỡi “đánh mãi rồi, có gì đâu mà nói”. Ấy vậy mà có những nguyên tắc chúng ta đang lãng quên hay những lợi thế mà chúng ta chưa tận dụng tốt. Trước tiên, hãy nhìn vào bản chất của thế trận này. Đó là thế trận nửa tấn công (lưới) nửa phòng thủ (phông). Như vậy, mỗi thành viên cần hiểu và quán triệt vai trò của mình tại mỗi vị trí trên sân:
Đứng lưới: TẤN CÔNG ghi điểm bằng các cú volley hoặc smash dứt điểm
Đứng phông: PHÒNG THỦ bằng các cú Fh, Bh và lốp đều và chính xác nhằm tạo điều kiện cho lưới dứt điểm
Chúng ta không gặp nhiều vấn đề với vị trí đánh lưới vì mọi người đều muốn đánh dứt điểm và chỉ hỏng vì hạn chế kỹ thuật là chủ yếu. Nhưng vị trí đánh phông thì lại là chuyện khác. Vai trò phòng thủ thường bị sao nhãng và người đánh phông chỉ muốn tự mình ghi điểm từ dưới vạch cuối sân. Chọn lựa hướng đánh cũng cần xem xét lại khi cú đánh chéo sân ra mang hay chéo sân vào giữa 2 lưới đối thủ không được áp dụng nhiều, trong khi cú bắn dọc dây có tần suất khá lớn. Nếu xem các tay vợt chuyên nghiệp đánh đôi thì rất hiếm khi họ đánh dọc dây mặc dù lưới đối phương co vào giữa sân hơn chúng ta rất nhiều.
Với các tay vợt có kỹ thuật volley và smash tương đối thì vị trí đứng lưới của họ nên lùi xuống cách vạch service khoảng 1m. Tại vị trí này họ có thể bước lên hay bước chéo để bắt volley tấn công, xoay người lùi để smash bóng bổng và bước sang 2 bên để canh dây và giữa sân. Khả năng khép góc và hạn chế cú đánh của người đứng lưới sẽ làm cho đối phương bối rối và không có nhiều lựa chọn đánh trả. Sẽ là tuyệt hơn nữa khi bạn làm đối phương phân tâm bằng các bước di chuyển giả hoặc thật mỗi khi đồng đội đánh bóng qua người. Sự thay đổi vị trí này sẽ hỗ trợ thêm khả năng phòng thủ cho đồng đội và gia tăng sức ép lên đối thủ.
Để tạo cơ hội cho đồng đội đứng lưới, người đứng phông có thể ép đối thủ ngay từ pha bóng đầu tiên khi cầm giao bóng. Hầu hết các tay vợt đều yếu tay nghịch, đặc biệt trong quả trả giao bóng. VD đối phương đều thuận tay phải thì:
Tại ô số 1: người giao bóng nên đứng gần vạch giữa sân để serve vào góc chữ T
Lúc này khả năng vồ lưới của đồng đội trở nên dễ dàng và cơ hội để người giao bóng lên lưới cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
E. THẾ TRẬN KIỂU ÚC
Đây là biến thể của Thế trận 1 phông 1 lưới, với sắp xếp 2 người cùng đứng một bên ô 1 hoặc ô 2 và gần vạch giữa sân. Trong thế trận chuẩn 1 phông 1 lưới, cả 2 vị trí đứng lưới và phông đều có khả năng bị tấn công hoặc phải bao sân khá rộng khi đối phương có những đường trả bóng hiểm hóc hoặc vì kỹ năng serve và volley của mỗi cá nhân chưa tốt. Thế trận này được gọi là kiểu Úc chỉ đơn giản bởi vì được các tay vợt Úc sáng chế và sử dụng trong thi đấu đầu tiên.
Thế trận kiểu Úc là giải pháp tuyệt vời để hạn chế điểm yếu và gia tăng sức mạnh của mỗi cá nhân trong khi phối hợp tấn công. VD:
Bạn serve tốt nhưng volley phải tay dở thì khi giao bóng ô 1 với thế trận này đồng đội đứng lưới sẽ lo hết cho bạn bên phải;
Bạn serve tốt nhưng chỉ volley trái tay dở thì khi giao bóng ô 2 với thế trận này đồng đội đứng lưới sẽ lo hết cho bạn bên trái;
Và chẳng có gì tuyệt hơn nếu bạn volley hai tay như một.
Trong đánh đôi, sự ổn định và chính xác là rất cần thiết vì thế đánh chéo sân chính là sự lựa chọn khôn ngoan nhất. Dù có tấn công hay phòng thủ bóng bền thì đối phương luôn chọn điểm giữa sân có lưới thấp nhất để đánh qua. Chúng ta cần kéo “địch” ra khỏi “lô cốt” để tiêu diệt, chiến thuật kiểu Úc ÉP họ trả bóng dọc sân bằng cú thuận Fh hoặc Bh, cái bẫy đã giăng sẵn chờ con mồi chui vào mà thôi.
Thế trận này được dùng ở các CLB cũng nhiều nhưng mang nhiều thiên hướng phòng thủ hơn tấn công. Khả năng serve chưa tốt và chưa tự tin lên lưới sẽ làm cho bạn khốn đốn mỗi khi đối phương trả giao bóng nhanh và mạnh về phía tay nghịch. Chỉ cần đồng đội đứng lưới điều chỉnh vị trí kiểu Úc, nguy cơ bị ép này sẽ được loại bỏ.
Các bạn đã xem các trận độ 1 người chấp 2 người chưa? Một tay vợt mạnh đánh với 2 tay vợt yếu hơn và phần thắng thường nghiêng về tay vợt số ít. Nhưng nếu 3 tay vợt có trình tương đương thì sao? Tất nhiên 2 đánh 1chẳng chột thì cũng què. Trong thế trận kiểu Úc, nếu lập trận và thực hiện thế trận tốt, bên bạn hoàn toàn có thể loại bỏ tay lưới bên đối phương trong diễn biến pha bóng và biến anh ta thành bù nhìn đứng xem vì khả năng lưới tham gia vồ lưới được là rất thấp.
Ưu điểm của thế trận này hay như thế thì chúng ta có nên dùng chúng liên tục không? Câu trả lời là không nên, vì dù sao nó cũng có những khoảng trống dễ bị đối phương khai thác khi đã “tỉnh ngộ” ra sau khi bị tấn công áp đảo.
Bạn hãy chú ý, nếu bạn là người giao bóng, hãy đứng càng gần vạch giữa sân càng tốt.
F. THẾ TRẬN HÌNH CHỮ I
Đây là thế trận cao cấp được sử dụng phổ biến nhất trong đánh đôi, đặc biệt ở đẳng cấp chuyên nghiệp. Người đứng phông thực hiện 2 cú giao bóng bên ô 1 và 2 đều tại vị trí sát vạch giữa sân. Người lưới đứng tại vạch giữa sân ô giao bóng, cách lưới khoảng 2m và cúi thấp người (thậm trí gần như bò với tư thế sẵn sàng lao về phía trước), tư thế này giúp cho người giao bóng không bị che tầm mắt và dễ dàng thực hiện theo ý đồ chiến thuật. 2 người chơi tạo thành một đường thẳng, vì vậy mà thế trận này có tên là hình chữ I và được gọi theo kiểu chơi trong mô hình của môn Bóng đá Mỹ.
Sau khi khi tiếng bóng giao từ phía sau, người đứng lưới sẽ BẬT CHÉO về phía trước để ĐÓN LÕNG cú trả của đối phương và người giao bóng LAO LÊN lưới theo hướng ngược lại. Người đứng lưới sẽ chủ động di chuyển theo phán đoán chứ không theo hướng bóng trả thực tế của đối phương. Chính vì vậy, việc ra ký hiệu bằng tay hay thống nhất bằng miệng giữa phông và lưới và bắt buộc phải có. Mặc dù pha bóng khởi nguồn từ người giao bóng nhưng quyết định chiến thuật sẽ do người đứng lưới quyết định. Thống nhất sẽ bao gồm 2 phần:
Ký hiệu về vị trí giao bóng: góc chữ A, góc chữ T hoặc vào người
Ký hiệu về hướng người đứng lưới sẽ di chuyển bắt volley
Không giống như thế trận kiểu Úc, người đứng lưới nấp sau lưới đối thủ sẽ lao ra vồ, trong thế trận chữ I, một dấu hỏi to tướng sẽ được tặng cho đối phương dưới phông vì không biết lưới bên kia sẽ bay bên nào. Và cũng bởi vậy mà thế trận này có thế dùng liên tục và không sợ bị bắt bài như thế trận kiểu Úc.
Thế trận kiểu chữ I chính là môi trường phù hợp nhất để thực hiện chiến thuật Serve/Volley. Người giao bóng không phải lo bao cả 2 bên sân như kiểu Úc, không cần thay đổi thế trận khi giao bóng 2. Điểm mạnh và áp lực nhất cho đối thủ sẽ là giao bóng vào góc chữ T, khi đó hầu hết đường trả bóng sẽ qua khoảng giữa sân, nơi người đứng lưới đã chờ sẵn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét