Thạc sĩ, cử nhân học trung cấp: Đi “lùi” tìm giá trị thực?

Thứ Bẩy, 26/04/2014 - 06:23

(Dân trí) - Thực tế thất nghiệp đã mở ra làn sóng liên thông “ngược” khi thạc sĩ, cử nhân đổ xô học trung cấp để kiếm việc làm. “Hiện tượng” có vẻ u ám đó phải chăng là con đường sáng sủa cho những giá trị thật?

Không tìm được việc làm đúng với chuyên ngành, bằng cấp được đào tạo, gần đây nhiều cử nhân, thạc sĩ đã chọn đường… lùi bằng cách đi học nghề, học trung cấp. Chuyện nghe rất khó tin nhưng đang diễn ra.

Ở góc độ đào tạo, đó là một sự tốn kém, lãng phí khủng khiếp của gia đình, xã hội. Đó cũng là hậu quả của thực trạng thừa thầy thiếu thợ, một thời gian dài người học - người dạy và cả người sử dụng lao động “u mê” chạy theo bằng cấp. Vậy nhưng, phía sau sự lãng phí và “bi kịch” này chưa hẳn là con đường u ám.

Điều quan trọng nhất của việc học là giúp người học định vị được bản thân mình.

Đối với người học, việc “quay đầu” này không phải bước lùi mà là con đường để họ định vị lại bản thân. Điều mà trước đây ở môi trường ĐH hay trên nữa là cao học đã không giúp họ nhận ra mình là ai. Chỉ đến khi ra trường, họ được thực tế đáp trả khi năng lực không đi cùng bằng cấp. Hay một đáp trả khác: xã hội không cần thứ họ đang có, còn nhiều người thì vẫn đang cố chạy theo.

Hãy nhìn vào thực tế, từ ngay đến năm 2020, mỗi năm TPHCM sẽ có 270.000 chỗ làm mới. Trong đó, nhu cầu trình độ lao động ĐH, trên ĐH chỉ chiếm 12%. Còn lại, xin thưa là chỗ của lao động trình độ cao đẳng, trung cấp và công nhân, sơ cấp kỹ thuật.

Đứng ở trên cao, cầm một cái búa, nhiều người quên mất rằng không phải tất cả công việc trong xã hội đều cần cái búa, nhiều việc chỉ cần đến cây kim. Và kể cả khi anh chịu “cúi mình” đi xin việc của cây kim cũng khó tránh bị hoài nghi về năng lực. Nhiều cử nhân, thạc sĩ phải giấu bằng để đi xin việc hoặc đi học việc của cây kim cùng vì lẽ đó.

Khi cầm thứ vượt quá với khả năng của mình, họ đổi sang để cầm thứ khác thích hợp là một sự thông minh. Giáo dục không giúp họ đặt mình đúng chỗ thì chính họ phải tự giúp lấy mình. Như lời một nhà giáo dục chia sẻ, việc học là để khai minh, để anh nhận ra anh là ai, anh làm được gì.

Mục tiêu vào ĐH không xấu nhưng khi lựa chọn, mỗi người phải trả lời được nó có phù hợp với mình hay không. Còn trách nhiệm của giáo dục là phải sàng lọc được năng lực, phẩm chất của người học cũng như đào tạo và trao bằng cấp đúng với khả năng. Còn lâu nay, đích đến của hầu hết học trò sau khi tốt nghiệp phổ thông đều là vào đại học. Cử nhân ồ ạt ra trường lại không đáp ứng được thực tế xã hội. Thừa vẫn thừa và thiếu vẫn thiếu.

Cử nhân, thạc sĩ ào ào đi học trung cấp là những “nhân chứng sống” cho thấy rằng bằng cấp không đồng nghĩa với một tương lai được đảm bảo mà có khi còn quàng thêm những bi kịch. Đây phải chăng là đòn đau cần thiết để cả người học, gia đình và cả nền giáo dục thức tỉnh, có trách nhiệm hơn trước những lựa chọn và trong công việc đào tạo của mình. Thứ xã hội đang cần là những giá trị thật, khả năng thật và câu nói quen tai "xã hội coi trọng bằng cấp" đang có dấu hiệu lung lay phải xem một tín hiệu vui.


Hoài Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Admin

Bản quyền thuộc về
Địa chỉ: 053 Phố Bế Văn Đàn, P.Hợp Giang, Tp.Cao Bằng
ĐT: 0988.86.22.88 - (026).395.66.88

Thông tin truy cập

Tổng số lượt xem trang