14 điều cần biết về Fed



Bài báo trên tờ Business Insider đưa ra 14 câu hỏi và tự trả lời chúng với mong muốn giúp người đọc hiểu rõ hơn về Fed cũng như về cuộc họp quan trọng sắp tới của Fed.

Thị trường tài chính toàn cầu đang “nín thở’ chờ đợi cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ diễn ra trong hai ngày 17 – 18/9 tới. Tuy nhiên, có không ít người chưa hiểu rõ hoặc hiểu lầm về Cục dự trữ liên bang (Fed). Bài báo trên tờ Business Insider đưa ra 14 câu hỏi và tự trả 
lời chúng với mong muốn giúp người đọc hiểu rõ hơn về Fed cũng như về cuộc họp quan trọng sắp tới của Fed. 

1. Fed là gì? 

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là NHTW của nước Mỹ. Hãy bắt đầu với câu hỏi NHTW là gì, bởi cơ quan này tồn tại ở hầu hết các nước. Trên thực tế, do chủ nghĩa cá nhân được đề cao khiến nước Mỹ không ưa chuộng các cơ quan chính phủ tập trung, NHTW của Mỹ “sinh sau đẻ muộn” so với các NHTW khác. 

Các NHTW có nhiệm vụ kiểm soát lãi suất, cung tiền và giám sát hệ thống ngân hàng.

2. Fed được tổ chức như thế nào ?

Có thể nói cấu trúc của Fed rất khác biệt so với các NHTW khác. Ở Fed tồn tại 4 cấp: Hội đồng Thống đốc, Ủy ban Thị trường mờ (FOMC), 12 ngân hàng chi nhánh và các ngân hàng thành viên khác nhỏ hơn. 

Hội đồng Thống đốc là bộ phận chịu trách nhiệm về phần lớn các chính sách tiền tệ. 7 người nằm trong hội đồng này được đề cử bởi Tổng thống, phải được Thượng viện thông qua và đưa ra các quyết định tại Washington. Ben Bernanke hiện là Chủ tịch của hội đồng này. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào tháng 1 sắp tới và mọi người đang ráo riết dự đoán về việc ai sẽ là người thay thế ông Bernanke. 

Cấp tiếp theo là FOMC - ủy ban gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống đốc cùng với chủ tịch của 5 ngân hàng chi nhánh. FOMC thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở.

12 ngân hàng chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện các nghiệp vụ nhỏ nhặt hơn. Chúng được đặt ở Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco. Mỗi ngân hàng có một chủ tịch và kiểm soát hàng nghìn ngân hàng thành viên trong khu vực đó. 

3. Các thành phố được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên

Điều này nghe có vẻ kỳ lạ. Khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu về Đạo luật Dự trữ liên bang năm 1913, đã có rất nhiều ý kiến trì hoãn. Ví dụ, thượng nghị sĩ đến từ bang Missouri chỉ đồng ý nếu bang của ông trở thành bang duy nhất có 2 ngân hàng chi nhánh. 

4. Điều này nghe có vẻ phức tạp và độc đoán. Tại sao nước Mỹ phải có Fed? 

Như đã đề cập ở trên, nước Mỹ đã không có Cục dự trữ liên bang trong một thời gian dài. Điều đó có nghĩa cuối thế kỷ 19 là thời kỳ của những cú sốc kinh tế không thể kiểm soát. Chỉ đến năm 1907, khi chứng khoán giảm 50% và người gửi tiền đổ xô đến ngân hàng để rút tiền, người ta mới “hâm nóng” lại ý tưởng thành lập NHTW và cuối cùng cũng được Thượng viện cũng thông qua.

5. Vậy thì, Fed sẽ kiểm soát các cú sốc kinh tế? Bằng cách nào? 

Chúng ta đều biết rằng khi bạn gửi một khoản tiền, tiền không nằm im trong két sắt của ngân hàng cho đến khi bạn cần tiền và muốn rút tiền. Hầu hết số tiền được đem đi đầu tư và đây cũng chính là cách các ngân hàng làm ra tiền. Tất nhiên, có những luật lệ quy định số tiền dự trữ ngân hàng buộc phải có. Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ: điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả người gửi tiền đều muốn rút tiền tại cùng một thời điểm? 

Đây chính là lúc Fed phải thực hiện vai trò của nó: người cho vay cuối cùng. 

6. Bằng cách nào? 

Câu trả lời có thể làm bạn hoảng sợ. Fed có quyền lực đặc biệt: in tiền. Theo lý thuyết, Fed có thể in tiền để giải cứu cá nhân hoặc tổ chức. Với vai trò là đồng tiền pháp định, đồng bạc xanh không bị neo vào bất cứ thứ gì (chế độ neo đồng USD vào vàng kết thúc từ năm 1971). 

Nếu bạn nhận định Mỹ đang trở thành Hy Lạp, điều đó hoàn toàn sai. Hy Lạp không có đồng tiền của riêng họ và phải được cứu bởi NHTW châu Âu. Mỹ thì khác, Fed có thể in thêm tiền! 

7. Điều này không bền vững?

In thêm tiền không giống như việc chỉ ngồi một chỗ và đổ một xe tải chất đầy những tờ bạc 100 USD vào nền kinh tế. Rất nhiều chính phủ đã cố gắng làm như vậy và điều tồi tệ đã xảy ra. Tin tốt ở đây là Fed theo dõi lạm phát rất chặt chẽ. 

Ban đầu, Fed tồn tại chỉ để kéo dài thời gian cho các ngân hàng hoặc định chế tài chính khi họ bị rút tiền ồ ạt. Tất nhiên, đã 100 năm trôi qua và những sự kiện như khủng hoảng tài chính đã thúc đẩy Fed thực hiện thêm những nhiệm vụ mới.

8. Giờ đây Fed làm những gì? 

Fed đưa ra các chính sách tiền tệ nhằm củng cố sức khỏe của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến lãi suất và sau đó là nền kinh tế. Thông qua chính sách tiền tệ, Fed có thể can thiệp theo một số cách: 

1. Lãi suất chiết khấu: là lãi suất của các khoản vay mà các ngân hàng thương mại và các định chế nhận tiền gửi khác nhận được từ các chi nhánh của Fed. 

2. Dự trữ bắt buộc: số tiền mà ngân hàng phải dự trữ. Fed sử dụng công cụ này để kiểm soát số tiền mà các ngân hàng có thể cho vay.

3. Hoạt động thị trường mở (OMO): có thể bạn đã từng nghe về việc Fed mua tài sản trong chương trình nới lỏng định lượng (QE). Các hoạt động trên thị trường mở cũng có cơ chế tương tự như vậy. Fed sử dụng chúng (mua trái phiếu trên thị trường mở) để điều chỉnh lãi suất liên bang theo mục tiêu cụ thể (lãi suất liên bang là thước đo để kiểm soát các khoản vay liên ngân hàng). 

Khi Fed giảm lãi suất liên bang (như đã làm kể từ khi khủng hoảng nổ ra), nó khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn và từ đó thúc đẩy tăng trưởng. Ngược lại, nâng lãi suất liên bang có nghĩa là Fed cho rằng hệ thống đang quá lỏng lẻo và có thể tạo ra bong bóng. 

Với nền kinh tế ở trong giai đoạn hồi phục như hiện nay, Fed muốn giữ lãi suất ở mức thấp nhất có thể. Kể từ 2009, lãi suất đã luôn ở mức 0% (xem bảng bên). 

9. Fed có thể sử dụng biện pháp tiền tệ nào khi lãi suất đã ở mức 0? 

Đó chính là QE - chính sách tiền tệ chưa từng được sử dụng trong quá khứ. 

Trong bối cảnh không thể tiếp tục giảm lãi suất, Fed giới thiệu một loạt các chính sách tiền tệ mới, trong đó nổi bật nhất là QE - chương trình trong đó Fed mua tài sản để tăng cung tiền. Kể từ năm 2008, Fed đã mua hàng tỷ USD các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (chính tài sản này đã tạo ra khủng hoảng) và hàng tỷ USD trái phiếu kho bạc. Tổng cộng đã có 3 gói QE được đưa ra. 

QE tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp (một số người cho rằng thấp giả tạo). Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán và trái phiếu đã hồi phục. Tuy nhiên, những người phê phán QE cảnh báo rằng chương trình này khiến lạm phát tăng cao. Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Fed. 

Mấy năm gần đây, lạm phát vẫn chưa xảy đến. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là QE là một chương trình hoàn hảo. Bảng cân đối kế toán của QE đã bị thổi phồng, lên 3.600 tỷ USD. 

10. QE sẽ chấm dứt?

Tháng 6 vừa qua, Fed đã khiến thị trường chao đảo khi thông báo sẽ "giảm dần cho đến hết" QE. Fed không cắt hẳn QE mà chỉ giảm tốc độ mua tài sản. Tuy nhiên, thị trường vẫn lo sợ lãi suất sẽ tăng lên. 

Dẫu vậy, kể cả nếu Fed có làm như vậy, QE vẫn sẽ được duy trì trong một thời gian dài nữa. Và, kể cả khi QE kết thúc, người ta vẫn không thể chắc chắn về việc Fed làm cách nào để "xì hơi" "quả bóng" 3.600 tỷ USD. 

11. Tuyên bố của Fed thực sự ảnh hưởng đến thị trường? 

Thông điệp của Fed rõ ràng hơn sẽ giúp nhà đầu tư có những quyết định đúng đắn trước các diễn biến của nền kinh tế. Các NHTW thường có xu hướng hành động một cách bí ẩn, nhưng rõ ràng là Chủ tịch Bernanke muốn làm ngược lại và đây là điều đáng hoan nghênh.

Fed tuyên bố sẽ không thay đổi lãi suất liên bang cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 6 - 6,5%. Tỷ lệ hiện đang ở mức 7,3%. Nghe có vẻ rõ ràng, nhưng thị trường vẫn chao đảo mỗi khi Fed "mở miệng" hoặc thị trường dự đoán Fed sẽ làm như vậy. 

Các NHTW luôn khiến thị trường dậy sóng bởi những gì họ làm chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai nền kinh tế. Trong khi đó, dự báo về tương lai là thứ giúp nhà đầu tư kiếm tiền. Vì thế, bạn có thể hình dung nhà đầu tư sẽ giận dữ thế nào khi họ nghĩ rằng Fed không tuyên bố rõ ràng các dự định. 

12. Tại sao tỷ lệ thất nghiệp đóng vai trò quan trọng?

Là định chế đã có 100 năm lịch sử, trách nhiệm của Fed luôn luôn được luật pháp củng cố. Đạo luật Việc làm năm 1946 quy định chính phủ phải đặt ra mức trần cho tỷ lệ thất nghiệp. Năm 1977, Quốc hội thông qua Đạo luật cải cách Fed hướng dẫn Fed sử dụng chính sách tiền tệ để cải thiện thị trường lao động và kiểm soát lạm phát. Cuối những năm 1970 là thời kỳ tồi tệ của thị trường lao động và lạm phát. 
Cựu Chủ tịch Alan Greenspan (1987-2006) (ở giữa)

13. Tại sao Fed bị chán ghét? 

Có thể bạn đang nhớ đến sự việc nghị sĩ Ron Paul đã thực hiện chiến dịch vận động kêu gọi Fed ngừng hoạt động. Ngày nay, Fed vừa phải phải kiểm soát lạm phát, vừa phải giảm tỷ lệ thất nghiệp. Và, đây là một trong những điểm nhận nhiều sự chỉ trích. 

Các nhà phê bình nhấn mạnh rằng mục đích ban đầu của Fed là ngăn chặn sự hoảng loạn. Nếu như Fed quan tâm đến thị trường lao động, Fed phải giữ lãi suất ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất thấp là điều kiện để bong bóng phát triển. Năm 2001, bong bóng xuất hiện trên TTCK. 

14. Liệu sẽ có một cuộc khủng hoảng tiếp theo? 

Nếu có thể trả lời được câu hỏi này, bạn đã là thống đốc NHTW. Chắc chắn là Fed sẽ cố gắng để đảm bảo sức khỏe và sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy các lỗi lầm của NHTW. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, cựu Chủ tịch Alan Greenspan được ca ngợi hết lời vì đã tìm ra chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chỉ đến nhiều năm sau đó, người ta mới nhận ra rằng chính sách lãi suất siêu thấp và giảm bớt các luật lệ đã nuôi dưỡng mầm mống của khủng hoảng. 

Phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, để các chính sách tiền tệ phát huy hết tác dụng. Do đó, cách tốt nhất là hãy chú ý đến chúng. Và, đây là một công việc không dễ dàng.

Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Business Insider

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Admin

Bản quyền thuộc về
Địa chỉ: 053 Phố Bế Văn Đàn, P.Hợp Giang, Tp.Cao Bằng
ĐT: 0988.86.22.88 - (026).395.66.88

Thông tin truy cập

Tổng số lượt xem trang